HÒA NHẠC TRONG THÁNH ĐƯỜNG
LM An-rê Đỗ xuân Quế, OP
Năm 1987, Ủy Ban Phụng Tự của Toà thánh có ra một thông tư đề là Hoà nhạc trong thành đường. Thông tư nay là một tài liệu thiết thực, nhằm chỉ dẫn những điều cần thiết phải tuân hành, để giữ cho các thánh đường chu toàn chức năng là những nơi thờ phượng, tôn vinh ca tụng Thiên Chúa và thánh hóa tâm hồn các tìn hữu. Dưới đây là nội dung của thông tư đó.
I. Nội dung thông tư về Hòa Nhạc trong thánh đường:
1. Một trong những nét biểu dương của nền văn hóa hiện đại là lòng say mê thích thú âm nhạc.
Dù có thể nghe tại nhà một cách dễ dàng các tác phẩm cổ điển qua máy thu thanh, đài truyền hình, máy thu băng, máy quay đĩa, người ta vẫn thích nghe trực tiếp trong buổi hòa nhạc và còn lấy làm thích thú hơn là đàng khác. Đó là một hiện tượng tích cực, bởi vì âm nhạc và tiếng hát góp phần nâng tâm trí con người lên cao.
Con số các buổi hòa nhạc mỗi ngày một tăng tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây khiến các nhà thờ thường hay được dùng làm nơi trình diễn. Người ta viện dẫn nhiều lý do để xin sử dụng, tỉ như cần phải có khung cảnh thích hợp, vì không dễ gì tìm được những nơi như nhà thờ : âm thanh thường rất tốt, nghệ thuật kiến trúc xinh đẹp, khung cảnh lại cũng tương xứng với bầu khí các tác phẩm sắp trình diễn được sáng tác khi xưa, và cuối cùng một lý do đơn giản nữa là các nhà thờ thường có những cây quản cầm, nhất là khi trình diễn các tác phẩm thuộc loại đàn này.
2. Song song với tiến trình văn hóa này, người ta còn nhận thấy trong nhà thờ có một hoàn cảnh mới.
Các “Scholae cantorum” (ca đoàn) nhiều khi thấy không tiện trình diễn các bản thánh nhạc đa âm hợp xướng trong khung cảnh phụng vụ. Vì thế, người ta đã có sáng kiến trình diễn loại thánh nhạc này bên trong nhà thờ, dưới hình thức hòa nhạc. Người ta cũng đưa bình ca vào chương trình hòa nhạc ở bên trong hoặc bên ngoài nhà thờ.
Một sự kiện quan trọng khác đã xảy ra do sáng kiến trình diễn các buổi hòa nhạc đạo đức. Sở dĩ gọi như thế, là vì âm nhạc cử hành được coi là nhạc đạo do đề tài, lời ca và bầu khí trình diễn. Đôi khi trong các buổi hòa nhạc này, người ta còn đọc sách thánh, cầu nguyện và giữ thinh lặng nữa. Vì vậy mà những buổi hòa nhạc như thế được đồng hóa với một buổi sinh hoạt đạo đức.
3. Việc chấp nhận từ từ cho hòa nhạc trong các nhà thờ đã khơi gợi lên một số vấn đề cho các cha sở và các vị quản thủ thánh đường mà chúng tôi thấy cần phải có câu giải đáp. Nếu mở cửa nhà thờ tràn lan cho các thứ hòa nhạc đã gây ra một làn sóng phản ứng và phản đối dữ dội nơi một số đông tín hữu thì từ chối mà không có lý do cũng sẽ bị hiểu lầm và khó được các nhà tổ chức hòa nhạc, các nhạc sĩ và ca sĩ chấp nhận.
Vậy trước hết, phải hiểu ý nghĩa cũng như mục đích của các nhà thờ. Về vấn đề này, Bộ Phượng Tự nghĩ là nên đề nghị với các Hội đồng giám mục và các Uỷ ban quốc gia về Phụng vụ và Thánh nhạc tùy theo sở trường của họ, một vài yếu tố suy nghĩ và giải thích các khoản Giáo luật liên quan đến việc sử dụng trong các nhà thờ một vài loại âm nhạc như âm nhạc và ca hát trong phụng vụ, âm nhạc có cảm hứng tôn giáo, âm nhạc ngoài tôn giáo.
4. Cần phải đọc lại trong hoàn cảnh hiện nay những tài liệu đã công bố,
đặc biệt Hiến chế về Phụng vụ, Huấn thị Musicam sacram về Thánh nhạc đề ngày 5.3.1967, Huấn thị Liturgicae Instaurationes đề ngày 5.9.1970 và các khoản Giáo luật số 1210, 1213, 1222. Thư này đặc biệt nói về các buổi hòa nhạc ngoài các lễ nghi phụng vụ. Bộ Phượng Tự mong rằng bằng cách này có thể giúp mỗi giám mục lấy những quyết định mục vụ hữu hiệu. Tuy nhiên vẫn phải lưu ý đến các hoàn cảnh xã hội văn hóa chung quanh.
II. Yếu tố suy nghĩ
Bản tính và mục đích của các nhà thờ
5. Theo truyền thống, các nhà thờ là những nơi cho dân Chúa hội họp.
Truyền thống này được minh họa rõ nét qua nghi thức cung hiến đền thờ và hiến thánh bàn thờ. Dân Chúa họp nhau lại trong tinh thần hiệp nhất với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần làm thành Hội thánh, đền thờ của Thiên Chúa. Đền thờ này được xây dựng bằng những viên đá sống động, nơi Chúa Cha được tôn thờ trong tinh thần và chân lý. Thực ra ngay từ thời thượng cổ, danh từ nhà thờ đã được dùng để chỉ ngôi nhà cộng đoàn Ki-tô hữu tới hội họp để nghe lời Chúa, cầu nguyện chung, lãnh bí tích, cử hành Thánh lễ và thờ lạy Người. Nơi ấy được coi như dấu chỉ về sự hiện diện của Chúa. (x. ODEA, cap.II,1)
Vì vậy không được coi nhà thờ như những nơi công cộng, có thể dùng cho mọi thứ hội họp. Đó là những nơi thiêng thánh được cung hiến hay hiến thánh để dành riêng cho việc thờ phượng Chúa. Đó là những ngôi nhà hữu hình, tượng trưng cho Hội thánh lữ hành trên trần thế, nơi hiện thực hóa ngay ở đời này mầu nhiệm hiệp thông giữa Thiên Chúa và loài người. Tại các nơi đông dân cư ở thành phố hay thôn quê, nhà thờ còn là nhà của Thiên Chúa, nghĩa là dấu chỉ nơi cư trú của Người giữa loài người. Đó là nơi thánh ngay cả những khi không cử hành lễ nghi phụng vụ.
Trong một thế giới ồn ào náo động như thế giới của chúng ta ngày nay, nhất là tại các thành phố lớn, các nhà thờ cũng là nơi thuận tiện để người ta tìm được sự bình an cho tâm hồn và ánh sáng cho đức tin trong bầu khí yên lặng và cầu nguyện. Điều này chỉ có thể thực hiện được, nếu các nhà thờ bảo toàn được danh tính của mình. Khi nào nhà thờ được dùng vào những mục đích khác với mục đích riêng của chúng thì đặc tính là dấu chỉ mầu nhiệm Ki-tô giáo của chúng bị lâm nguy, lôi kéo theo một số thiệt hại lớn nhỏ cho các nỗ lực giáo dục đức tin và ý thức về dân Thiên Chúa, như lời nhắc nhở của Đức Ki-tô: “Nhà Ta phải là nhà cầu nguyện” (Lc 19,46).
Tầm quan trọng của Thánh nhạc
6. Thánh nhạc dù là thanh nhạc hay nhạc khí đáng được lưu tâm một cách đặc biệt.
Qua danh xưng này, chúng tôi hiểu là loại nhạc được “sáng tác để thờ phượng Chúa, bao hàm được nét thánh thiện và tính nghệ thuật cao”, (Ms số 4a) Hội thánh coi dây là một kho tàng vô giá vượt lên trên tất cả các nghệ thuật khác và nhìn nhận Thánh nhạc có một chức năng thừa tác trong công việc thờ phượng Chúa (x. HCPV số 112). Hội thánh cũng tha thiết yêu cầu phải hết sức ân cần giữ gìn và trau dồi kho báu này, (HCPV số 114).
Khi cử hành thánh nhạc trong một lễ nghi phụng vụ, thánh nhạc phải tùy theo nhịp độ và phong cách của phụng vụ. Qui tắc này thường buộc phải hạn chế việc sử dụng những tác phẩm được sáng tác vào một thời điểm mà việc tham dự của giáo dân chưa được đề ra làm nguồn mạch đích thật cho tinh thần Ki-tô giáo. (x. HCPV số 14; Pi-ô X, Tra le sollecitudini)
Sự thay đổi này trong việc trình diễn các tác phẩm âm nhạc cũng như sự thay đổi đối với các sáng tác nghệ thuật khác, trong phạm vi phụng vụ vì những lý do thực hành : thí dụ các nhà thờ đã được cấu trúc lại để đặt ghế chủ tọa, giảng đài, bàn thờ quay về phía giáo dân. Làm như vậy không phải vì có ý chê dĩ vãng nhưng vì nhằm mục đích quan trọng hơn là cho cộng đoàn được tham gia tích cực. Đôi khi có sự hạn chế trong việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc khi cử hành phụng vụ, nhưng để bù lại, các tác phẩm ấy được trình diễn đầy đủ ngoài các nghi thức phụng vụ, dưới hình thức hòa nhạc và hát thánh ca trong nhà thờ.
Quản cầm
7. Ngày nay người ta chỉ còn chơi quản cầm đôi ba lần trong các buổi cử hành phụng vụ mà thôi.
Ngày xưa, quản cầm thay cho phần giáo dân tích cực tham dự và bao trùm lên đám cử tọa “ở đó như những khán giả câm nín và bất động” (Pi-ô XI, Dinivi Cultus, số 9).
Quản cầm có thể đệm theo tiếng hát của cộng đoàn và ca đoàn khi đang cử hành các lễ nghi phụng vụ. Nhưng quản cầm không được át lời cầu nguyện cũng như tiếng hát của chủ tế hay tiếng đọc sách thánh của phó tế và các thừa tác viên.
Theo truyền thống, không được chơi đàn trong các kỳ sám hối như Mùa Chay và Tuần Thánh, Mùa Vọng và phụng vụ cầu cho người đã qua đời. Trong những trường hợp này, chỉ được đệm đàn theo tiếng hát mà thôi.
Nên chơi quản cầm và có thể chơi lâu để chuẩn bị và kết thúc các buổi cử hành.
Điều tối quan trọng là trong mọi nhà thờ và đặc biệt trong các nhà thờ đông giáo dân hơn cả, không được để cho thiếu các nhạc sĩ tài ba và các nhạc cụ có chất lượng tốt. Phải hết sức gìn giữ cẩn thận các quản cầm đã có từ thời trước; những cây đàn này rất hiếm và quý.
III. Các biện pháp thực hành
8. Quy chế về việc sử dụng các nhà thờ đã được ấn định trong Giáo luật khoản 1210 như sau :
“Chỉ được chấp nhận trong nơi thánh những gì yểm trở hay phục vụ công việc thờ phượng, lòng đạo đức hay đạo hạnh và cấm tất cả những gì không hợp vói nơi thánh thiện. Tuy nhiên, Vị Bản quyền đôi khi có thể cho phép sử dụng vào những việc khác không trái với nơi thánh.”
Nguyên tắc sử dụng nhà thờ không trái với nơi thánh, đã ấn định tiêu chuẩn nên mở cửa nhà thờ cho hòa nhạc, hay nên đóng không cho bất cứ loại âm nhạc nào khác được trình diễn trong đó. Thí dụ âm nhạc đa âm hợp xướng hay nhất tự nó không phải là có tính tôn giáo. Muốn có tính tôn giáo thì ngay từ đầu những bản hát, bản nhạc đó phải nhằm mục đích gì và nội dung ra sao. Niêm yết chương trình hòa nhạc trong nhà thờ mà âm nhạc đó không có cảm hứng tôn giáo và được sáng tác để trình diễn trong các sinh hoạt vui chơi thế tục, dù âm nhạc đó là cổ điển hay hiện đại, là bác học hay bình dân, như thế là không tôn trọng tính thiêng thánh của nhà thờ cũng chẳng đếm xỉa gì đến chính tác phẩm âm nhạc đó, vì nó không được trình diễn trong khung cảnh tự nhiên của nó.
Giáo quyền phải sử dụng quyền riêng trong các nơi thánh (x. GL khoản 1213) và quy định việc sử dụng nhà thờ sao cho nơi thờ phượng được mọi người tôn kính.
9. Thánh nhạc, nghĩa là loại âm nhạc được sáng tác để dùng trong phụng vụ, nhưng vì những lý do nào đó không được cử hành trong một buổi lễ nghi phụng vụ và nhạc đạo, nghĩa là nhạc lấy cảm hứng từ những bản văn Kinh thánh, phụng vụ có liên quan tới Thiên Chúa, Đức Mẹ, Các Thánh hay Giáo hội, có thể được dùng trong nhà thờ, ngoài những buổi cử hành phụng vụ. Quản cầm, thanh nhạc hay nhạc khí có thể yểm trở và nuôi dưỡng lòng đạo đức sốt sắng cho giáo dân (x.C.I.C., khoản 1210). Những thứ đó có ích lợi đặc biệt để :
a) Chuẩn bị cho các lễ phụng vụ chính thức hay tăng thêm vẻ long trọng đặc biệt cho những lễ đó ngoài các buổi cử hành.
b) Đánh dấu tính đặc biệt của các mùa phụng vụ.
c) Tạo ra trong các nhà thờ một bầu khí chuộng cái đẹp và thích suy niệm, giúp cho người ta dễ có xu hướng đón nhận các giá trị tinh thần ngay cả nơi những người xa Hội thánh.
d) Tạo khung cảnh tiện lợi giúp dễ đón nghe Lời Chúa, tỉ như đọc Tin Mừng liên tục.
e) Giữ cho kho tàng âm nhạc của Hội thánh được sống động : các thứ nhạc và bài hát sáng tác để được dùng trong phụng vụ không được để cho mai một đi, tuy không phải lúc nào cũng dễ đưa vào các buổi cử hành phụng vụ. Ngoài ra là nhạc đạo như các ca nhạc kịch, các bài ca có tâm tình tôn giáo vốn là những phương tiện thông truyền sức sống thiêng liêng.
f) Giúp khách tham quan và khách du lịch hiểu rõ hơn tính thiêng thánh của nhà thờ, nhờ những buổi trình tấu quản cầm được loan báo trước vào những giờ ấn định.
10. Khi các người tổ chức xin mượn nhà thờ để hòa nhạc, vị bản quyền phải cho phép bằng văn thư.
Đây có ý hiểu là những buổi hòa nhạc không định kỳ. Vì thế, không được cho phép thường xuyên kéo dài như đại nhạc hội hay một vòng liên tục các buổi hòa nhạc.
Nếu vị bản quyền cho là cần thì có thể cho mượn nhà thờ nào không dùng vào việc thờ phượng nữa, chiếu theo giáo luật khoản 1222,2, làm hội trường để trình diễn thánh nhạc, thánh ca và ngay cả nhạc đời, miễn là những loại nhạc đó hợp với những nơi thiêng thánh.
Trong bổn phận mang tính mục vụ này, vị Bản quyền nên nhờ Uỷ Ban Phụng vụ và Thánh nhạc của giáo phận giúp đỡ và góp ý.
Để bảo toàn tính thiêng thánh của các nhà thờ, phải giữ những điều sau đây. Vị Bản quyền có thể xác định thêm chi tiết :
a) Phải làm đơn gửi vị Bản quyền vào lúc thuận lợi, nói rõ ngày nơi, giờ, chương trình hòa nhạc, tác phẩm và tên tác giả.
b) Sau khi được sự đồng ý của vị Bản quyền, cha sở và các vị quản thủ thánh đường có thể cho phép ca đoàn và các giàn nhạc thỏa mãn những điều dưới đây được sử dụng nhà thờ :
c) Vào nhà thờ tự do và miễn phí.
d) Nhạc công và thính giả phải ăn mặc và đi đứng cho xứng hợp với nơi thiêng thánh.
e) Các nhạc sĩ và ca sĩ tránh chiếm cung thánh. Phải hết sức tỏ lòng tôn kính bàn thờ, ghế của vị chủ tọa và giảng đài.
f) Phải cất Mình Thánh Chúa ở bàn thờ cạnh hay nơi nào chắc chắn và xứng đáng (x. C.I.C. GL khoản 938, tiết 4). Phải có lời giới thiệu trình bày nhạc phẩm sắp trình diễn không nguyên về lịch sử nghệ thuật mà thôi, nhưng còn về phương diện tâm linh nữa, để thính giả có thể hiểu kỹ hơn và tham dự thấm thía hơn.
h) Người tổ chức hòa nhạc phải chịu trách nhiệm bằng văn thư về mặt hành chánh và dân sự, các phí tổn, xếp đặt lại cơ sở và bồi thường nếu xảy ra hư hại.
Các yêu cầu thực tiễn trên đây là nhằm giúp các giám mục và các vị quản thủ thánh đường trong các nỗ lực mục vụ giữ cho nhà thờ luôn luôn là nơi cử hành các lễ nghi phụng vụ, nơi cầu nguyện, nơi yên tĩnh. Vậy xin đừng dựa vào đó mà bảo rằng Hội thánh ít quan tâm và không hứng thú gì đối với nghệ thuật âm nhạc.
Kho tàng thánh nhạc luôn luôn là một bằng chứng hùng hồn nói lên rằng đức tin Ki-tô giáo có thể cổ võ và phát khởi nền văn hóa của nhân loại.
Nếu đặt thánh nhạc hay nhạc đạo vào đúng vị trí và giá trị của nó, các nhạc sĩ Ki-tô giáo và các thành viên trong các “Scholae cantorum” sẽ cảm thấy mình được an ủi khi theo đuổi truyền thống này và cố giữ cho nó được sống động để phục vụ đức tin, như lời Công đồng Va-ti-ca-nô II mời gọi trong thông điệp gửi cho các nghệ sĩ : “Các bạn đừng từ chối đem tài năng của mình ra để phục vụ chân lý của Chúa. Thế giới chúng ta đang sống cần phải có cái đẹp để khỏi rơi vào thất vọng. Cái đẹp cũng như chân lý làm cho con người vui tươi phấn khởi. Và điều đó, sở dĩ có được cũng là nhờ ở bàn tay của các bạn (x. Cđ Vat. II Thông điệp gửi các nghệ sĩ, ngày 8.12.1965). (dịch theo bản tiếng Pháp : Concerts dans les églises)