XƯỚNG ÂM
1. Định nghĩa: Xướng Âm là phương pháp dạy cho hiểu và trình bày đúng một bản nhạc. (Nói một cách đơn giản hơn, xướng âm là hát lên một bản nhạc không cần sự trợ giúp của bất cứ một nhạc cụ nào.)

2. Phương pháp: Có 2 phương pháp thông dụng là Solfeggio và Tonic Solfa.
a) Solfeggio:
Do một thầy dòng người Ý tên là Guido d’Arezzo khởi xướng vào những năm đầu của thế kỷ XI. Thoạt đầu, thầy Guido dùng các mẫu tự C, D, E, F, G, A để gọi tên 6 nốt nhạc, sau đó mới thay thế bằng những vần đầu của một bài thánh thi:
Ut queant laxis
Resonare fibris
Mira gestorum
Famuli tuorum
Solve polluti
Labi reatum,
Sancte Ioannes
Như vậy, các nốt nhạc C, D, E, F, G, A được gọi là ut, re, mi, fa, sol, la.
Đến những thế kỷ sau, nốt nhạc thứ bảy là B được dùng, với tên gọi là si (được ghép từ hai mẫu tự đầu của Sancti Ioannes trong bài thánh thi trên đây). Đồng thời, nốt nhạc ut được đổi tên là do.
C D E F G A B
Do Re Mi Fa Sol La Si
Phương pháp Solfeggio còn được gọi là phương pháp Fixed Do (nốt Do cố định), vì Do luôn được dùng để gọi nốt nhạc C.
b) Tonic Solfa:
Do người Anh khởi xướng vào giữa thế kỷ XIX, dựa theo những nốt nhạc do, re, mi, fa, sol, la, si của Guido và đổi thành doh, ray, me, fah, soh, lah, te.
Theo phương pháp Tonic Solfa, doh, ray, me, fah, soh, lah, te được dùng để đặt tên cho các bậc của âm giai Trưởng: nốt bậc I là doh, nốt bậc II là ray, nốt bậc III là me, v.v… Như vậy, dù ở trong bất kỳ âm giai Trưởng nào (C, D, E…), nốt bậc I của các âm giai Trưởng đó đều được gọi là doh.
Âm giai Do Trưởng (C): C D E F G A B C
Tên gọi theo Tonic Solfa: doh ray me fah soh lah te doh
Âm giai Mi Trưởng (E): E F# G# A B C# D# E
Tên gọi theo Tonic Solfa: doh ray me fah soh lah te doh
Phương pháp Tonic Solfa còn được gọi là phương pháp Movable Doh (nốt Doh di động), vì nốt Doh luôn di chuyển, có khi là C trong âm giai C, có khi là E trong âm giai E, v.v…

3. Các kỹ thuật thực tập:
a) Về cao độ:
– các nốt tru (bậc I, bậc IV, bậc V)ï
– từ các nốt trụ đi lần tới các nốt phụ
– các quãng khác nhau (2, 3, 4, 5, 6, 7, Cool
b) Về trường độ:
– với các nhịp 2, 3, 4
– với đảo phách
– với các trường độ ngắn
4. Một vài chỉ dẫn cách thực tập xướng âm:
a) Xác định âm giai của bài hát: quan sát bộ khoá và nốt nhạc cuối cùng của bài hát.
b) Xác định nhịp điệu: quan sát số chỉ nhịp. Lưu ý các câu nhạc khó, bất thường.
c) Xác định phách của nốt nhạc đầu tiên.
d) Hát nhẩm trong đầu 3 nốt trụ của âm giai của bài hát, từ đó chuyển sang các nốt phụ.
Quan sát âm vực của bài hát trước khi chọn cung thích hợp với âm vực giọng hát của mình.
e) Lựa chọn một nhịp vận (tempo) thích hợp. Tìm xem câu nhạc nào chuyển hành nhanh nhất và thử nhẩm hát trước câu nhạc đó.
f) Nên đọc qua các nốt nhạc của cả bài hát trước khi xướng âm.
g) Nếu có sai sót, không nên dừng lại mà hãy cứ giữ vững nhịp vận và tiếp tục xướng âm hết cả bài hát.
h) Thực tập lại nhiều lần những chỗ vấp váp, những chỗ sai sót về nhịp điệu, về quãng, về cung bậc, về tên nốt nhạc, v.v…
i) Khi xướng âm, cố gắng giữ vững cung giọng, đừng để bị lạc cung. Lưu ý thêm đến cách phát âm, tiết tấu, những ký hiệu chỉ cường độ, những chỗ nghỉ lấy hơi, v.v…
j) Kỹ thuật thực tập xướng âm cần nhiều thời gian để phát triển, vì thế, nên tập luyện thường xuyên và từng ít một.