HÁT THÁNH VỊNH
Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà
Giám mục Giáo phận Nha Trang
Ðặc trách Thánh Nhạc Thánh Ca HÐGM Việt Nam
Thánh vịnh bởi tiếng Hy lạp psalmos là điệu nhạc, cũng có nghĩa là tuyển tập 150 thánh vịnh, tức là các bài thơ tôn giáo trong Cựu ước. Thánh vịnh được Chúa thần hứng cho vua Ða-vít và các tác giả Do thái khác viết ra.
1. Công dụng của thánh vịnh được dùng như các bản thánh ca, như những lời cầu nguyện trong phụng vụ và khi cầu nguyện riêng, dùng làm bài đọc trong phụng vụ như nhiều sách Thánh kinh khác. Sau thế kỷ II, nhiều giám mục cho thu tuyển các bài ca thánh vịnh để giữ vững đức tin công giáo trước sự lan tràn của nhiều bài hát lạc giáo. Ngoài ra, nhiều câu thánh vịnh là những lời tiên báo về Chúa Ki-tô (Mt 26,27 ; Lc 23,24).
2. Cách hát thánh vịnh : ngay từ thời sơ khai Giáo hội đã sử dụng trong phụng vụ 3 cách hát thánh vịnh : thánh vịnh đáp ca, thánh vịnh đối ca, thánh vịnh đơn thuần.
3. Thánh vịnh đáp ca
a. Gọi thế, là vì cứ sau một hoặc hai câu thánh vịnh do một ca viên hát thì cộng đoàn đáp lại bằng một câu vắn như kiểu một điệp khúc và gọi là đáp ca. Có khi câu đáp làm nên vế hai của câu thánh vịnh. Thí dụ Tv 135 : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Hình thức này được sử dụng rất sớm trong Giáo Hội, vì tính cách đơn giản, tiện lợi. Dân chúng thường không có sách, lại không thuộc lòng thánh vịnh, nhưng họ luôn có thể thuộc một điệp khúc ngắn. Câu hát thánh vịnh của ca viên (không nhất thiết phải là ca sĩ) cũng theo một lối đơn giản : vừa như hát vừa như đọc, để thích hợp với một thời điểm : mọi người ngồi nghe và suy niệm, thỉnh thoảng lại tham dự bằng một câu điệp ca.
b. Nhưng nhiều ca viên lại là ca sĩ, họ ưa trổ tài ngân nga thêm nhiều nốt hoa mỹ, khiến không đủ giờ hát các câu thánh vịnh, vì thế dần dần họ bớt số câu cho đến khi chỉ còn một câu thánh vịnh (xem các Graduale trong Paroissien romain). Tình trạng này kéo dài cho đến khi ban hành sách lễ rô-ma (1969) cùng với bộ sách bài đọc (1970). Từ đây đáp ca lại xuất hiện với nhiều câu được chọn trong một thánh vịnh.
c. Ðáp lại lời Chúa : Xét về phương diện âm nhạc thì thánh vịnh đáp ca là hình thức hát thánh vịnh trong đó cộng đoàn hát điệp khúc đáp lại câu thánh vịnh do ca viên hát. Nhưng xét theo ý nghĩa phụng vụ thì tập thể thánh vịnh và điệp khúc này lại là lời cộng đoàn đáp trả lời Chúa mà họ vừa nghe trong bài đọc. Thiết tưởng khía cạnh này quan trọng hơn.
Các bài ca nhập lễ, ca dâng lễ và ca hiệp lễ nhằm mục đích sử dụng kèm theo một động tác phụng vụ (rước chủ tế vào, rước đoàn người dâng của lễ, rước giáo dân lên đón nhận Mình Thánh Chúa). Trong các trường hợp này, động tác phụng vụ là chính, bài hát là phụ. Nhưng khi hát thánh vịnh đáp ca, không ai làm động tác gì cả, mọi người ngồi yên lắng nghe, ở đây bài hát là chính. Vì thế, nên tập cho cộng đoàn hát đáp ca trước khi tập các đối ca.
d. Diễn tiến khi hát thánh vịnh đáp ca. Theo lẽ thường thì khi hát đáp ca, khởi đầu ca viên xướng một hay hai câu thánh vịnh rồi cộng đoàn mới đáp. Nhưng trong thực hành thì cách hát này gặp nhiều bất tiện, dù có viết câu đáp lên bảng thì cũng ít người thấy rõ để đọc phương chi là để hát. Cộng đoàn sẽ khó mà bắt vào điệp khúc, nếu không có ai đọc trước hay hát trước cho một lần. Vì thế, ngay từ thế kỷ VIII, sách lễ nghi rô-ma đã chỉ định cách hát :
· ca viên hát câu đáp rồi ca đoàn lặp lại câu đáp,
· ca viên hát câu thánh vịnh 1, ca đoàn lặp lại câu đáp v.v… (xem Righetti, Storia liturgia III Ancora 1/56, trang 249). Pius Parsch trong cuốn Sainte Messe expliquée dans son histoire et sa liturgie – Bruges 1950 trang 106 cũng chủ trương nên theo cách hát nói trên.
Ha-lê-lui-a trước Phúc âm: vốn là một lối hát thánh vịnh, mà điệp khúc là Ha-lê-lui-a, nay bị giản lược chỉ còn một câu thánh vịnh, nhưng vẫn giữ cách hát như vừa nói trên nghĩa là ca viên hay ca đoàn hát Ha-lê-lui-a, cộng đoàn lặp lại Ha-lê-lui-a. Ca đoàn hát câu thánh vịnh, cộng đoàn lặp lại Ha-lê-lui-a. Bộ sách bài đọc mới (1970) khi in câu đáp ngay lên đầu bài thánh vịnh đáp ca, phải chăng là có ý để được sử dụng như trên đây. Như vậy là không đợi xướng câu thánh vịnh rồi mới đáp, nhưng hát câu đáp trước tiên.
Sách Các giờ kinh phụng vụ do UBPTHÐGMVN xuất bản năm 1990 trang 1293 đã in :
XÐ : Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con
nghĩa là bài thánh vịnh đáp ca ngắn này khởi đầu do một người xướng điệp khúc “Trong tay Ngài” rồi cộng đoàn lặp lại “Trong tay Ngài’, sau đó mới tới câu thánh vịnh.
Tóm lại, tuy sách bài đọc thánh lễ có in câu đáp lên đầu thánh vịnh đáp ca, nhưng không hướng dẫn cách sử dụng cho rõ ràng, nhưng do các nhận xét trên, ta thấy nên hát theo mẫu sau đây, và cũng là mẫu đã sử dụng trong lễ phong thánh các Tử đạo Việt nam năm 1988 :
· Ca viên xướng câu điệp khúc (tức câu đáp),
· Cộng đoàn lặp lại điệp khúc,
· Ca viên xướng câu thánh vịnh đầu tiên (có khi do hai câu thánh vịnh gộp lại),
· Cộng đoàn lặp lại điệp khúc.
Lưu ý là sách bài đọc thánh lễ bằng tiếng Việt, đề sách phải là sách bài dọc thay vì sách lễ, và sau bài đọc 1, phải đề là thánh vịnh đáp ca (psalmus responsorius) thay vì đáp ca và phải in câu đáp trước thánh vịnh như sách la-tinh của nhà in đa ngữ Va-ti-can.
a. Chọn thánh vịnh đáp ca
“Thánh vịnh thường lấy ở sách bài đọc, bởi vì thánh vịnh đều liên quan mật thiết với bài đọc ; bởi đấy việc chọn lựa thánh vịnh tùy thuộc vào các bài đọc. Nhưng để cộng đoàn có thể hát thánh vịnh đáp ca một cách dễ dàng hơn, thì mỗi khi có thể chọn câu đáp ca và thánh vịnh chung cho từng mùa trong năm, hoặc chung cho từng đẳng các thánh để dùng thay thế cho những bài đi theo các bài đọc liên hệ” (QCTQ sách lễ rô-ma, 1969)
Cụ thể, sách Lectionarium I (1970) trang 861 có in sẵn 10 câu đáp ca và một số thánh vịnh dùng cho cả năm, thật là tiện lợi cho những người soạn nhạc và các xứ đạo. Các câu đáp và các thánh vịnh đó như sau :
– Câu đáp :
* Mùa Vọng : Xin Chúa đến cứu chuộc chúng con
* Mùa G.S : Lạy Chúa, hôm nay chúng con đã nhìn thấy vinh quang Chúa.
* Mùa Chay : Lạy Chúa, xin nhớ lại ân tình và tín nghĩa của Chúa
* Mùa P.S : Ha-lê-lui-a (2 hay 3 lần)
* Quanh năm :
· Khi hát với thánh vịnh ca tụng :”Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ” hoặc “Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Ngài, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu” hoặc “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới”.
· Khi hát với thánh vịnh cầu xin :”Chúa gần gũi với những ai kêu cầu Chúa” hoặc “Lạy Chúa, xin nhận lời và cứu độ con” hoặc “Chúa là Ðấng từ bi nhân hậu”.
– Thánh vịnh : mỗi lần chỉ chọn một thánh vịnh và mỗi thánh vịnh chỉ chọn một số câu. (xem chi tiết các thánh vịnh chung, HLMC 3 trang 21)
5. Thánh vịnh đối ca
a. Trong khi ở thánh vịnh đáp ca chỉ có một ca viên hát thánh vịnh thì ở đây ca đoàn, hoặc cộng đoàn chia hai nhóm, lần lượt hát đối nhau các câu thánh vịnh, vì thế mới có tên là đối ca (antiphona). Cách hát này khởi đầu rất được ưa chuộng vì tính cách sống động làm cho nhiều người trực tiếp tham gia đồng thời nhạc lại đơn sơ vắn gọn, không ngân nga rườm rà như đáp ca (x. 4.b) vì phải hát đối nhau nên đâu có thời giờ nhiều mà ngân nga.
b. Nhưng đối ca lại gặp phải một khó khăn lớn là cộng đoàn không thuộc lòng thánh vịnh, cũng không có sách cầm tay như các linh mục, tu sĩ. Cái khó bó cái khôn. Muốn cho cộng đoàn vẫn tham gia hát được, phụng vụ đã giải quyết bằng cách đặt ra một điệp khúc cho dân chúng hát, tức là một câu thánh vịnh ngắn được gọi là đối ca và được tổ chức như sau : ca đoàn xướng điệp khúc rồi cộng đoàn lặp lại điệp khúc. Ca đoàn hát câu thánh vịnh 1 (hoặc một nhóm câu thánh vịnh), cộng đoàn lặp lại câu điệp khúc.
c. Trong thánh lễ có 3 lúc hát đối ca : ca nhập lễ, ca dâng lễ, dâng của lễ và rước lễ (tức lúc lên lãnh nhận Mình Thánh Chúa). Nhưng rồi đối ca, sinh sau đẻ muộn cũng đi vào vết xe đổ của đáp ca, nghĩa là âm nhạc thêm nhiều hoa mỹ phức tạp, khiến không đủ thời giờ để hát nhiều câu, vì thế thánh vịnh bị rút vắn dần tới chỗ chỉ còn một câu thánh vịnh và câu Vinh danh Chúa Cha, đồng thời điệp khúc cũng trở thành quá phức tạp, cộng đoàn bị đẩy vào chỗ hoàn toàn thụ động (sách lễ rô-ma 1969 hiện nay chỉ còn in có câu điệp khúc mà thôi)
d. Trong khi đó thì tại các dòng tu, trong các giờ kinh phụng vụ, ý thức phụng vụ còn mạnh và ai cũng có sách hát nên hình thức đối ca vẫn được duy trì qua dòng lịch sử với đầy đủ điệp khúc và các câu thánh vịnh. Nhạc câu thánh vịnh đơn giản : mỗi vần một nốt, hai nốt ít khi ba nốt nhạc. Nhạc câu điệp khúc cũng đơn sơ, nhưng giàu tính nghệ thuật.
e. Phần QCTQSLRM (1969) số 50 có viết : “Khi dâng lễ vật lên thì hát ca dâng lễ”. Nhưng trong sách, ở mỗi lễ chỉ thấy in điệp khúc ca nhập lễ và ca hiệp lễ mà không thấy ca dâng lễ. Tại sao vậy ? Lý do vì ca nhập lễ và hiệp lễ, nếu không hát thì phải đọc. Còn ca dâng lễ, nếu không hát thì bỏ luôn. Mà sách lễ Rô-ma không có nhiệm vụ in bài hát của cộng đoàn, nên không in điệp khúc ca dâng lễ vào. chứ không phải là thánh lễ không còn ca dâng lễ nữa. Muốn hát thì lấy trong cantus missae, Edit. vat. 1988. Tất nhiên cần có bản dịch tiếng Việt để đặt nhạc.
f. Sách lễ Rô-ma, khi in các điệp khúc ca nhập lễ, ca hiệp lễ có kèm theo xuất xứ lấy từ thánh vịnh hoặc một sách nào khác trong bộ Kinh thánh.
– Nếu điệp khúc lấy từ một thánh vịnh thì được hát điệp khúc đó với các câu khác của thánh vịnh đó. Sau mỗi câu hoặc vài câu thì lặp lại điệp khúc.
– Nếu điệp khúc không rút ra từ một thánh vịnh thì tùy ý chọn một thánh vịnh nào thích hợp với ý nghĩa ngày lễ và hành động phụng vụ.
Chú ý :
1. Trước Vat. II trong phụng vụ, người ta tôn trọng bản văn tới mức không hát được thì phải đọc cung bằng (recto tono) hoặc theo cung thánh vịnh kiểu đơn giản.
2. một vài sách hát do nhà xuất bản Vat. II ấn hành :
– Antiphonale romanum (1983) gồm các ca nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ…
– Graduale simplex (1988) gồm các bài đáp ca cung đơn giản.
– Ordo cantus missae (1988) gồm các phần riêng (proprium) các Mùa, Phần chung và riêng các thánh, lễ theo nghi thức, lễ tùy hoàn cảnh, lễ ngoại lịch và phụng vụ cầu hồn.
6. Thánh vịnh đơn thuần (psalmus in directum, tractus)
Ðây là cách hát đơn giản nhất trong các cách hát thánh vịnh, thường chỉ hát trên một nốt nhạc (recto tono), từ đầu đến cuối câu, hoặc giữa và cuối câu thì xuống một quãng ba thứ. So với tiếng Việt, ta có thể nói đọc thánh vịnh theo dấu giọng thông thường đã là một lối hát thánh vịnh đơn thuần. Có lẽ cách hát này xuất hiện trước cả đáp ca và đối ca, và có nguồn gốc từ các hội đường Do thái. Thánh vịnh do ca viên hoặc cộng đoàn hát liên tục từ đầu tới cuối, không có điệp khúc (đối ca hay đáp ca) gì cả. Trong khi đó những người khác hiện diện im lặng nghe, tâm trí kết hợp với nội dung thánh vịnh. Ðây là cách hát giúp suy niệm (tỉ dụ thánh vịnh 145 trong Kinh chiều lễ cầu hồn, Paroissien romain trang 1776).
Ngày xưa hình thức thánh vịnh đơn thuần được dùng để hát trước Tin Mừng trong Mùa Chay. Nhưng từ 1969 đến nay, có lẽ vì đa số cộng đoàn không có sách để hát các câu thánh vịnh, cũng chẳng có điệp khúc để tham gia, nên hình thức này không còn thấy sử dụng trong thánh lễ nữa.
7. Vài kết luận về cách hát thánh vịnh
a. Thánh vịnh có một vị trí rất quan trọng trong thánh lễ, thánh vịnh được dùng trong ca nhập lễ, ca dâng lễ, ca hiệp lễ, đối ca v.v… Muốn sáng tác cho thánh lễ, các nhạc sĩ cần đào sâu các mặt về thánh vịnh.
b. Ðiều lý tưởng là một ngày kia mọi người cùng tham dự đọc hoặc hát được các câu thánh vịnh. Nhưng thực tế, điều này chỉ có thể áp dụng đầy đủ và thường xuyên trong các chủng viện, dòng tu hay trong các cuộc tĩnh tâm linh mục vì người nào cũng có sách đầy đủ. Ðối với cộng đoàn, nếu họ hát được điệp khúc thì đã là điều khá rồi, còn các câu thánh vịnh thì được đảm nhiệm do ca viên (trường hợp đáp ca) hay ca đoàn (trường hợp đối ca).
c. Riêng cách hát thánh vịnh đơn thuần thì không dùng cho cộng đoàn được vì họ không có đủ sách để hát các câu thánh vịnh, cũng không có điệp khúc để tham gia. Chính vì thế mà sách lễ và sách bài đọc đều không sử dụng cách hát này.
d. Nhạc của điệp khúc cũng như của các câu thánh vịnh cần duy trì tính cách đơn sơ, bình dân, tránh nguy cơ cầu kỳ, rườm rà, để khỏi dẫn đến tình trạng phải giảm dần các câu thánh vịnh, và để cộng đoàn khỏi bị loại dần ra khỏi thánh ca.
8. Mấy góp ý về sáng tác liên quan đến điệp khúc và các câu thánh vịnh.
a) Ðiệp khúc
1/ Nội dung : nêu lên ý chính của thánh vịnh hoặc của ngày lễ, thường lấy một câu ngắn ở đầu thánh vịnh, hoặc một câu tiêu biểu trong thánh vịnh, có thể lấy trọn câu hoặc bớt xén cho câu văn gọn hơn. Có khi điệp khúc là một câu Phúc âm của ngày lễ hôm đó, hoặc là lời tung hô Ha-lê-lui-a ; chữ này không nhằm nêu ý chính thánh vịnh, nhưng có ý nói lên bầu khí vui mừng của mùa phụng vụ, nhất là mùa Phục sinh. Ngày xưa có nơi ngâm Ha-lê-lui-a dài 15 phút.
2/ Hình thức :
– Vắn gọn, sao cho cộng đoàn dễ nhớ.
– Nên viết nhạc trong âm vực tối đa hơn kém một bát độ, để vừa khả năng tầm cỡ tiếng của đại chúng. Vì âm vực bị giới hạn, nên khi sáng tác nên tiết kiệm các quãng nhạc, nên dùng những chuyển động liền bậc và những quãng ngắn, thỉnh hoảng mới có những quãng lớn. Chuyển động liền bậc giúp hòa âm phong phú.
– Mỗi chữ ngâm một nốt, hai nốt, tối đa và ít khi ba nốt nhạc.
– Nhịp điệu bình dân, thường là những dấu móc hát chậm.
– Giai đoạn đầu chỉ nên cho hát một bè. Bao giờ trình độ cộng đoàn khá vững mới nên cho hát thêm bè. Nếu bắt đầu đã có bè, cộng đoàn sẽ cho đó là việc của ca đoàn nên không hát nữa.
– Nhạc điệp khúc giới thiệu thể nhạc của thánh vịnh và cuối điệp khúc phải ăn khớp với đầu mỗi câu thánh vịnh, cuối câu thánh vịnh phải dễ trở về điệp khúc.
b) Nhạc cho câu thánh vịnh
Các nhạc sĩ nên nghiên cứu ca nhạc dân tộc và ca ghê-go-ri-ô. Cả hai nguồn này sẽ giúp giải quyết một vấn đề khó khăn nhưng cần thiết là làm thế nào để hát thánh vịnh bằng tiếng Việt.
Cho đến nay đã có nhiều cố gắng khác nhau nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề. Tuy chưa có giải pháp nào hoàn bị nhưng đều là những cố gắng có giá trị. Sau đây xin nêu một số giải pháp :
1. Dịch lời Việt theo một cung nhạc giống một cung thánh vịnh la-tinh, ví dụ bài Ngợi khen Thiên Chúa của Hoài Chiên.
2. Dịch lời Việt theo một cung nhạc giống cung hát thánh vịnh của Gélineau, ví dụ bài Vui ca lên nào của Hoàng Kim.
3. Dệt nhạc vào từng câu thánh vịnh (nhiều tác giả).
4. Dệt nhạc câu thánh vịnh đầu rồi dịch các câu sau hợp với điệu nhạc đó (nhiều tác giả).
5. Hát các câu thánh vịnh theo ba nốt nhạc, nhưng có phần lên giọng ở đầu câu và xuống giọng ở cuối câu. Theo kiểu này, người sáng tác phải tự dịch lấy bản văn, hoặc nếu muốn dùng bản văn có sẵn thì phải tự thích ứng bản văn ở đầu và cuối câu thánh vịnh cho hợp với phần lên giọng và xuống giọng (chủ trương của lm. Tiến Dũng) ví dụ Tv 104 trong cuốn thánh ca Phụng vụ Tuần Thánh.
6. Hát các câu thánh vịnh theo ba nốt nhạc, không cần dịch lại hoặc sửa đổi bản dịch (nhiều tác giả).
Hẳn rằng còn những giải pháp khác mà tôi chưa biết, xin các nhạc sĩ khác bổ túc cho. Hoan nghênh các sáng kiến, người này bổ túc cho người kia, hy vọng dần dần sẽ hình thành một mục lục (répertoire) những bài hát phụng vụ có giá trị.
(Trích trong Hát Lên Mừng Chúa)